Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Cần công khai thông tin để sáng tỏ

Dù Đài Truyền hình VN đã quyết định dừng tạm phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long", công chúng quan tâm vẫn cần đòi hỏi nhiều thông tin hơn nữa để sự việc được sáng tỏ.

Việc Đài Truyền hình VN lúc đầu định dừng 20 tập phim “Huyền sử thiên đô” để chiếu bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” gây phản ứng mạnh trong cư dân mạng và một số báo. Lập tức, nhà đài quyết định dừng tạm phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” tại thời điểm này, vì đó là kế hoạch dự kiến từ năm trước; nhưng công chúng quan tâm vẫn cần đòi hỏi nhiều thông tin hơn nữa để sự việc được sáng tỏ.
Cảnh phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long”.
Cảnh phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long”.
Ngay khi thông tin phim “Huyền sử thiên đô” tạm dừng ở tập 20, đã có một số ý kiến vội cho rằng nhà đài coi thường khán giả, khi phim đang hay thì đột ngột dừng. Nhưng thực ra, ngay từ ban đầu VTV chỉ ký phát sóng tạm thời 20 tập với Cty Sao Thế Giới (nhà sản xuất) và tùy theo sự tiếp nhận của khán giả để ký phát sóng tiếp. Vì thế, nếu có việc tạm dừng 20 tập không là chuyện đáng bàn, nói chi đến việc hiện đài và Cty Sao Thế Giới lại đang thương thảo để có thể chiếu tiếp những tập sau của “Huyền sử thiên đô”.
Điều làm phản ứng của dư luận bùng phát là việc dự kiến chiếu phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” để thay vào. Đây là bộ phim ngay từ khi những trailer đầu tiên được giới thiệu trên mạng, đã bị nhiều báo (trong đó có Lao Động) lên tiếng về sự “Tàu hoá” của bộ phim. Tiếng là hợp tác hai bên, nhưng thực tế phía Trung Quốc (TQ) nắm quyền chủ đạo, cố tình bóp méo lịch sử, làm xấu xí và tầm thường hoá những nhân vật lịch sử VN, trong đó có Vua Lý Công Uẩn. Nguy hiểm hơn là các nhân vật, trang phục, bối cảnh đều “đậm đà” màu sắc Trung Hoa, vì thế “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” là một sự “nô dịch văn hoá” TQ.
Trước phát hiện của dư luận, các nhà quản lý – cụ thể ở đây là Hội đồng duyệt phim quốc gia mới xem lại và quyết định bộ phim phải chỉnh sửa hàng loạt điểm cho Việt hoá, trước khi được phép công chiếu.
Thực ra, nếu nhìn vào những điểm phải sửa, có thể thấy bộ phim chỉ còn cách là làm lại, chứ không thể sửa dễ dàng, bởi lẽ một tác phẩm điện ảnh bắt buộc phải có sự thống nhất liền mạch của một đường dây chính.
Thế mà chỉ thoáng cái đã thấy nhà làm phim kêu sửa xong để kịp chiếu dịp đại lễ ngàn năm... Rồi rõ ra là chưa sửa xong, đợi sau năm lần bảy lượt, thì nay bộ phim lại “dự kiến” được tung ra chiếu trên đài truyền hình.
Khi dư luận phản ứng gay gắt, nhất là sau cuộc phỏng vấn GS sử học Lê Văn Lan của blogger Nguyễn Xuân Diện, trong đó GS Lan phê phán gay gắt hàng loạt điểm bóp méo lịch sử của bộ phim sau khi đã chỉnh sửa, điển hình như cho Vua Lý Công Uẩn lên ngôi ở một ngôi chùa Tàu, trong khi thực tế lịch sử là ở Hoa Lư; thì VTV công bố tạm dừng phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” ở thời điểm này, và cho biết sẽ cân nhắc một thời điểm thích hợp hơn để bộ phim lên sóng.
Như thế, số phận của “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” vẫn còn rất lơ lửng. Và công chúng vẫn chỉ biết đoán già đoán non với sự thiếu hụt thông tin.
Theo chúng tôi, đã đến lúc Hội đồng duyệt phim quốc gia cần họp xem xét công khai bộ phim sau khi đã chỉnh sửa và đưa ra quan điểm rõ ràng về bộ phim, tránh nói chung chung theo kiểu “phim không sai phạm về tinh thần lịch sử...” mà nêu rõ yếu tố Việt ở đâu, yếu tố vay mượn văn hoá TQ ở điểm nào, đã chỉnh sửa chưa...”. Cũng như Hội đồng duyệt phim, nhà đài có ý kiến ra sao về bộ phim?
Nên chăng tổ chức họp báo chiếu những phần cơ bản nhất của phim, những đoạn Hội đồng duyệt phim quốc gia yêu cầu sửa đã được các nhà làm phim “tiếp thu” như thế nào; mời các nhà sử học, các nhà chuyên môn đến xem để làm rõ giá trị thực sự của phim. Nếu thấy phim vẫn còn mang yếu tố TQ thì cần thẳng tay loại bỏ.
Sự nể nang, vụ lợi được ngụy biện, mạo danh bằng những mỹ từ này khác đều không thể che giấu động cơ thực sự của những người làm phim.
Việt Văn
Theo laodong

0 nhận xét:

Đăng nhận xét